Nâng chất lượng sống cho người già

TTO - Chuyện con ngược đãi mẹ già 88 tuổi ở Tiền Giang là một trong những câu chuyện về bất ổn trong đời sống của người già. Chuyện này ở đâu cũng có. Và chẳng thể nào "giải cứu" từng trường hợp được khi tương lai 1/3 dân số là người già.

Người già ở Việt Nam đang gia tăng nhanh. Giai đoạn cơ cấu "dân số vàng" bắt đầu từ năm 2006 và có thể kết thúc năm 2035. Mươi năm nữa xã hội phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến người cao tuổi. Do vậy Nhà nước cần tính đến những giải pháp căn cơ hơn.

Người già đang sống nghèo

Vì nhiều lý do khác nhau, hệ thống an sinh xã hội chúng ta chưa thể đảm bảo được mức sống tối thiểu cho một bộ phận người già sau khi họ đã trải qua một đời lao động, cống hiến. Những người già có lương hưu tạm đủ sống, nhưng cũng có phần khó khăn ở thị thành. 

Với mức lương hưu trung bình khoảng 1,5-2,5 triệu đồng/tháng (tương đương 70-100 USD), số tiền này đưa họ vào nhóm cận nghèo theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới. Người già trên 80 tuổi được trợ cấp 160.000 đồng/tháng (chưa đến 8 USD). 

Một bộ phận rất lớn người già hiện nay là người lao động tự do, quá 60 tuổi không có lương hưu. Nhiều người phải tự bươn chải với các công việc có thu nhập rất thấp (bán hàng rong, bán vé số, thu gom ve chai...).

Kèm với tuổi già là nhiều bệnh và những khó khăn trong sinh hoạt như đi lại, ăn uống, vệ sinh. Dù không muốn, họ cũng trở thành gánh nặng cho con cháu. Với những gia đình chạy ăn từng bữa thì quả thật là khó chồng khó.

Một nguồn lực được coi là ưu thế lâu nay đối với người già là sự bảo trợ từ gia đình. Đó được coi là một trong những giá trị truyền thống của người Việt. Nhưng nay đời sống xã hội đã thay đổi. Con cái có thể chu cấp cho cha mẹ, nhưng không muốn sống chung. 

Người già cũng không muốn làm phiền con cháu. Cộng đồng làng xã, dòng họ cũng khác xưa. Gia đình, cộng đồng không còn là chỗ dựa vững chắc nhất cho người già như xưa nữa.

Không thể không nhắc đến là sự khác biệt ngày càng lớn về giá trị sống, giá trị văn hóa và quan niệm đạo đức của người già và người trẻ. 

Giữa các thế hệ không tìm được ngôn ngữ chung, niềm tin chung, giá trị chung, văn hóa chung, dẫn đến thái độ ứng xử như lạnh nhạt, không quan tâm và những xung đột khó hòa giải.

Môi trường cộng đồng cho người già

Ở Singapore, người nào nuôi cha mẹ già sẽ được hưởng các ưu đãi như được ưu tiên mua nhà giảm giá (nếu chưa có nhà), được xét giảm thuế kinh doanh. 

Ở Trung Quốc, con cái sẽ bị phạt nặng nếu hắt hủi và từ chối chăm sóc cha mẹ già. Các quốc gia giàu có như Hàn Quốc hoặc các nước châu Âu, Bắc Mỹ có các chính sách xã hội như trợ cấp, miễn phí chữa bệnh, các viện dưỡng lão tập trung do nhà nước bảo trợ hoàn toàn. 

Ở Nhật, người già được đi xe biển số vàng chạy với tốc độ chậm, thiết kế thang máy tốc độ chậm, độ cao bậc thang bộ thấp hơn cho người già, có cửa hàng riêng cho người già với xe đẩy có chỗ ngồi, kệ hàng thấp đủ tầm với, giá niêm yết viết chữ to, có các nhà máy chế biến thức ăn riêng cho người già và các dịch vụ phục vụ tận nhà cho người già.

Ở quốc gia nào, chăm lo cho người già cũng là một vấn đề xã hội luôn cần được lưu tâm và lưu tâm nhiều hơn nữa. Không chỉ về điều kiện sống mà còn là chuyện chăm sóc sức khỏe, quan tâm tinh thần những người già. Nhiều người già rơi vào tình cảnh bế tắc, bị trầm cảm, đi lang thang, ngay cả ở những nước giàu có cũng không tránh khỏi chuyện này.

Không lâu nữa, dân số Việt Nam sẽ già, nhưng công tác nghiên cứu và chuẩn bị đón đầu thực sự chưa được chú ý đúng mức. Không có nhiều nghiên cứu về người cao tuổi và chủ yếu về bệnh học, các nghiên cứu về tâm lý, xã hội, văn hóa hầu như không có.

Các khoa xã hội học, tâm lý, công tác xã hội tại các trường đại học chưa có bộ môn và môn học về lão khoa. Hiện tại, cần có thêm những bệnh viện và nhà dưỡng lão, khu dân cư, nhà ở, nhà hàng, siêu thị, cơ quan hành chính sẽ có góc cho người già (như ở Trung Quốc đã tiến hành từ nhiều chục năm qua).

Xã hội cần các lễ hội, hoạt động xã hội, có thêm không gian cộng đồng cho người già ở các khu dân cư. Ở Việt Nam hiện nay, việc người già ở tập trung (các trung tâm dưỡng lão) chưa phổ biến và mức phí cao với khả năng của số đông. 

Chúng ta nên dần chấp nhận loại hình này và nhân rộng ra cả nước để tạo môi trường cho người già khi con cái quá bận bịu, các trung tâm có chuyên môn chăm sóc, nuôi dưỡng, chữa bệnh cho người cao tuổi và con cái thường xuyên thăm hỏi, động viên ông bà.

Sau giai đoạn "dân số vàng" sẽ đến giai đoạn "dân số bạc", khi quốc gia có rất đông người cao tuổi. Muốn hay không chúng ta cũng đang đi đến đó.

Cũng như các chính sách an sinh xã hội khác, Nhà nước cần xây dựng chính sách hỗ trợ một phần cho người già không có thu nhập hoặc thu nhập thấp vào sinh sống trong các trung tâm dưỡng lão.

Có thể có thêm sự chung tay từ các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm. Nếu tính lời lỗ theo kinh tế học thì Nhà nước mất thêm một khoản kinh phí, nhưng xét về lợi ích xã hội thì lại rất lớn.

                                                                                                                                                                                                 IDP sưu tầm nguồn tin từ tuoitre.vn

X
phone