Những bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi

Những bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi

 

Tuổi cao kèm theo cơ chế thoái hóa tự nhiên và nhiều chức năng cơ quan suy giảm, trong đó có khả năng đề kháng, dẫn đến sự suy giảm dần dần năng lực thể chất và tinh thần, nguy cơ mắc bệnh ngày càng tăng. Bệnh ở người cao tuổi (60 trở lên) thường trở thành mạn tính, kéo dài hay tái phát và khó điều trị hơn.

Các tình trạng phổ biến ở người lớn tuổi bao gồm bệnh lý tim mạch, đục thủy tinh thể và tật khúc xạ, đau lưng và cổ, viêm xương khớp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tiểu đường, trầm cảm và mất trí nhớ. Người cao tuổi có nhiều khả năng mắc phải một số bệnh cùng lúc.

Tuổi già cũng được đặc trưng bởi sự xuất hiện của một số tình trạng sức khỏe phức tạp thường được gọi là hội chứng lão khoa. Hội chứng này là hậu quả của nhiều yếu tố cơ bản và bao gồm yếu đuối, tiểu không tự chủ, té ngã, mê sảng và loét.

1. TĂNG HUYẾT ÁP (HUYẾT ÁP CAO)

Huyết áp cao được định nghĩa là huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên, là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng nhất đối với bệnh tim mạch và bệnh thận mãn tính.

Người cao tuổi bị tăng huyết áp có thể bị từ các giai đoạn tuổi trưởng thành, tuổi trung niên, hoặc do ăn chế độ ăn uống nhiều mỡ, muối, thường nhất là do thành mạch bị xơ vữa nhiều, dẫn đến hẹp lòng mạch gây tăng huyết áp.

Bệnh tăng huyết áp ở người già rất dễ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như tai biến mạch máu não, suy tim, nhồi máu cơ tim,…

Tăng huyết áp không được kiểm soát ở hơn 50% dân số tăng huyết áp ở Việt Nam, điều này cho thấy nhu cầu bức thiết về các hướng dẫn điều trị tăng huyết áp, bao gồm: chẩn đoán tăng huyết áp, khuyến cáo theo dõi huyết áp tại nhà và điều trị tăng huyết áp.

 

2. CHOLESTEROL CAO (MỠ MÁU CAO)

Mỡ máu cao là tình trạng rối loạn chuyển hoá lipid, chất mỡ chủ yếu là cholesterol và triglyceride, khi chúng có nồng độ cao trong máu sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, đặc biệt là người cao tuổi.

Bệnh làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lipid võng mạc, gan nhiễm mỡ, xơ vữa động mạch, là yếu tố nguy cơ của bệnh lý tim mạch và đột quỵ.

Theo Bộ Y tế, khoảng 26% người Việt Nam trong lứa tuổi từ 25-74 bị máu nhiễm mỡ. Và đối với những người cao niên trên 60 tuổi, tình trạng mỡ máu cao hoàn toàn không hề hiếm gặp.

Tại Việt Nam có đến gần 50% người trưởng thành sống tại thành thị bị mỡ máu cao – một tình trạng xảy ra khi cơ thể bạn có quá nhiều Cholesterol xấu, dẫn đến tắc động mạch, có thể dẫn đến bệnh tim. Theo thống kê, cứ 10 người trưởng thành có 3 người cholesterol cao (chiếm tỉ lệ 30%), ở thành thị là 44,3%. Hơn 50% phụ nữ 50-65 tuổi bị thừa cholesterol trong máu.

Nguyên nhân gây nên tình trạng mỡ máu cao chủ yếu do chế độ ăn uống nhiều chất béo bão hòa như bơ, mỡ động vật, các loại thịt đỏ, thịt mỡ… Cộng thêm việc sử dụng nhiều rượu bia gây ra cholesterol xấu trong máu tăng và ứ đọng trong suốt thời gian dài.

3.VIÊM KHỚP

Viêm khớp là một trong những bệnh thường gặp đặc biệt là người cao tuổi, mang đến nhiều phiền toái và khiến người bị khó khăn trong việc vận động, giảm chất lượng cuộc sống.

Vào mùa đông hay thời tiết nóng nực vào ngày hè, thay đổi nhiệt độ đột ngột cũng sẽ làm xuất hiện đau nhức xương khớp ở người cao tuổi.

Có nhiều dạng viêm khớp khác nhau bao gồm các dạng sau:

_ Viêm khớp dạng thấp: Các khớp ngón tay, ngón chân, cổ tay, khớp gối… là những vị trí thường bị viêm đau.

_ Viêm khớp thoái hóa: Khớp hông, khớp gối, cột sống… là những vị trí hay bị thoái hóa, khiến người bệnh đau, sưng, cứng khớp hạn chế đi lại.

_ Gout: Đây là bệnh viêm khớp do sự tích tụ của acid uric trong các khớp.

_ Viêm khớp nhiễm trùng: Các vi trùng ở các vết thương gần khớp xâm nhập vào khớp, khiến khớp sưng tấy, viêm có mủ, nóng đỏ…

 

4.BỆNH TIM THIẾU MÁU CỤC BỘ (BỆNH MẠCH VÀNH)

Bệnh tim thiếu máu cục bộ là một bệnh rất thường gặp ở người lớn tuổi, hút thuốc lá nhiều, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu, tiểu đường, béo phì.

Bệnh tim thiếu máu cục bộ có thể diễn tiến mạn tính hay cấp tính. Biểu hiện lâm sàng của suy động mạch vành là cơn đau thắt ngực.

Cơn đau thắt ngực thường xảy ra khi gắng sức: xuất hiện khi đi một quãng đường nhất định, có thể phụ thuộc vào thời tiết, sau ăn cơm, sau xúc động… Vị trí thường gặp là ở sau xương ức và là một vùng; đau có thể lan lên cổ, vai, tay, hàm, thượng vị. Hay gặp là hướng lan lên vai trái rồi xuống mặt trong tay trái; có khi thấy đau lên cổ, lên hàm, đau răng…

5. BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Đái tháo đường được chẩn đoán xác định khi đường máu bất kỳ đạt nồng độ trên 200 mg% và/hoặc đường máu lúc đói trên 126 mg%. Đái tháo đường có 2 tuýp là I và II. Đái tháo đường tuýp II thường gặp ở người cao tuổi.

Bệnh xảy ra khi cơ thể đề kháng hoặc không sản xuất đủ insulin. Insulin là thứ mà cơ thể sử dụng để lấy năng lượng từ thức ăn và phân phối nó đến các tế bào. Khi điều này không xảy ra, cơ thể sẽ bị tăng đường huyết, có thể dẫn đến các biến chứng đái tháo đường như bệnh thận, bệnh tim hoặc mù lòa. Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tăng lên sau 45 tuổi.

Có nhiều nguyên nhân và cơ chế giải thích bệnh đái tháo đường ở người cao tuổi. Gan suy yếu theo tuổi già kéo theo sự suy giảm quá trình sử dụng và chuyển hóa đường trong cơ thể; hoạt động của hormon Insulin không hiệu quả; tụy bị lão hóa nên giảm tiết Insulin,… Tất cả các cơ chế trên gây nên hậu quả tăng đường máu dẫn đến bệnh đái tháo đường.

6. ĐỘT QUỴ

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch màu não, xảy ra từ từ hoặc đột ngột, gây nhiều biến chứng và di chứng nặng nề.

Ở người già, do sự suy yếu của hệ thống mạch máu, máu đến nuôi não giảm sút nên dễ bị nhồi máu não, thiếu máu não.

Ở người già, thành mạch suy yếu, dễ vỡ cùng với hậu quả của bệnh tăng huyết áp (nếu mắc trước đó) nên dễ xảy ra xuất huyết mạch máu não.

Đột quỵ là bệnh khá phổ biến và nguy hiểm đến tính mạng của người cao tuổi.

Để phòng bệnh đột quỵ, chúng ta nên khuyên ông bà, cha mẹ ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý, chế độ ăn ít mỡ; nên tập thể dục nhẹ vào buổi sáng, tập dưỡng sinh, nếu cần thiết thì uống thuốc dưỡng não, thuốc điều trị tăng huyết áp,…

 

7. SUY TIM

Mặc dù phổ biến hơn ở người lớn tuổi (từ 65 trở lên), bệnh suy tim có thể xảy ra với bất cứ ai, kể cả trẻ em.

Suy tim là hậu quả của tổn thương thực thể hay rối loạn chức năng tim, dẫn đến tim không đủ khả năng tiếp nhận máu hoặc đưa máu đi nuôi cơ thể.

Suy tim có nhiều loại, bao gồm suy tim trái/ suy tim phải, suy tim tâm thu/ suy tim tâm trương, suy tim cấp/ suy tim mãn,… Với bệnh suy tim mạn tính, bệnh nhân thường có những triệu chứng: Khó thở, mệt mỏi, phù chân, ho khan, tiểu đêm nhiều.

Suy tim ở người già chủ yếu là do: huyết áp cao không điều trị, bệnh cơ tim thiếu máu, nhồi máu cơ tim, bệnh van tim (hẹp, hở van 2 lá, hẹp hở van động mạch chủ), bệnh tim bẩm sinh không điều chỉnh bằng phẫu thuật (hẹp van động mạch phổi, còn ống động mạch…), viêm cơ tim, suy thận mạn tính, loạn nhịp tim kéo dài…

Thời gian sống còn của người cao tuổi bị suy tim trung bình từ 4,3 năm đến 7,1 năm.

8. VIÊM PHỔI

Cơ quan hô hấp suy giảm đáng kể khi về già: phổi kém đàn hồi, cơ hô hấp yếu, kháng thể bề mặt phổi giảm cùng với sự suy giảm sức đề kháng của cơ thể nên người già rất dễ bị viêm phổi, đặc biệt vào các mùa dịch, trái gió trở trời, thời tiết lạnh khô.

Tác nhân gây bệnh là vi rút (thông thường là vi rút cúm), tụ cầu, phế cầu, liên cầu, đôi khi là não mô cầu, adenovirus, lao,…

Viêm phổi ở người già điều trị tốn kém và dai dẳng hơn người trẻ, dễ tái phát làm suy yếu dần sức khỏe, giảm tuổi thọ.

Để phòng bệnh viêm phổi hiệu quả, người già nên hạn chế đến những nơi đông người, khi thời tiết thay đổi, trời trở lạnh, người già nên giữ ấm cơ thể, tránh ra gió, tránh hít thở không khí lạnh khô.

9. BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH (COPD)

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính được viết tắc là COPD, là sự kết hợp của khí phế thủng và viêm phế quản mãn tính.

Bệnh đặc trưng bởi triệu chứng khó thở diễn ra thành cơn giống bệnh hen phế quản, nhưng ít đáp ứng hoặc không đáp ứng với các thuốc giãn phế quản thông thường.

Bệnh thường xảy ra trên cơ địa những người hút thuốc lâu năm, hoặc bị những bệnh về hô hấp tái đi tái lại nhiều lần. Bệnh hay gặp ở những người trung niên hoặc người cao tuổi.

Người cao tuổi bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính dễ dẫn đến suy hô hấp, cơ thể suy kiệt, thường xuyên nhập viện, chất lượng cuộc sống giảm, tuổi thọ giảm.

 

10. BỆNH PARKINSON

Đây là bệnh thường gặp ở những người từ 65 tuổi trở lên.

Bệnh do thoái hóa một số tổ chức ở não gây ra những biểu hiện như: run tay, vận động chậm chạp, kém linh hoạt, cứng đờ. Bệnh có thể kèm theo một số triệu chứng như: suy giảm nhận thức, suy giảm trí nhớ, trầm cảm,…

Bệnh diễn tiến một cách từ từ theo chiều hướng ngày càng nặng dần. Ở giai đoạn nặng, người bệnh sẽ bị hạn chế vận động nghiêm trọng, không nói được, không cử động được mà chỉ nằm một chỗ. Chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời giúp làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, kéo dài thời gian hoạt động bình thường cho người bệnh.

11. HỘI CHỨNG TIỀN ĐÌNH

Hội chứng tiền đình bao gồm các triệu chứng như: chóng mặt, xây xẩm, hoa mắt, mất thăng bằng, rung giật nhãn cầu, ù tai,…

Người cao tuổi dễ bị hội chứng tiền đình do thiếu máu đến nuôi cơ quan tiền đình – ốc tai, thiếu máu đến não, hậu quả của các bệnh lý về tai (viêm tai giữa, chấn thương tai, viêm tai xương chũm,…) từ giai đoạn trước.

Người mắc hội chứng tiền đình nếu không được điều trị kịp thời sẽ dễ bị các biến chứng như tổn thương tai ảnh hưởng đến khả năng nghe, tổn thương thần kinh (trong trường hợp bị hội chứng tiền đình trung ương), chấn thương do té ngã,…

12. LOÃNG XƯƠNG

Tuổi tác là nguyên nhân chính của quá trình diễn ra loãng xương. Sức khỏe yếu đi nên người cao tuổi không có cơ hội hấp thụ vitamin D từ ánh sáng mặt trời, đồng thời bị lão hóa chức năng dạ dày, đường ruột, gan, thận, suy giảm miễn dịch dẫn đến xương bị thoái hóa.

Những người cao tuổi mắc một số bệnh như: suy thận, tuyến thượng thận, cường giáp trạng, bệnh yếu liệt chi, chấn thương có nguy cơ loãng xương cao. Lạm dụng thuốc corticoid trong một thời gian dài cũng là một nguyên nhân gây nên bệnh.

Phụ nữ sau độ tuổi mãn kinh có khả năng cao gặp chứng loãng xương khá lớn. Khi hormone sinh dục nữ giảm sẽ làm tăng nhanh tốc độ quá trình chuyển canxi từ xương vào máu, vì vậy, tỉ lệ loãng xương ở phụ nữ cao tuổi thường cao hơn nam giới.

Để phòng ngừa bệnh loãng xương, hạn chế hậu quả gãy xương, người già cần bổ sung canxi vào chế độ ăn từ các nguồn thực phẩm giàu canxi như sữa, sò huyết, cua, ốc,… hoặc thuốc uống cung cấp canxi (viên canxi sủi, canxi – D,…).

13. RỐI LOẠN TIÊU HÓA

Rối loạn tiêu hóa là một trong những chứng bệnh phổ biến trong mùa hè. Mùa nắng nóng, người cao tuổi cũng rất dễ bị rối loạn tiêu hóa do thức ăn, nước uống không đảm bảo vệ sinh (ăn rau sống, uống nước đá nhiễm khuẩn, ăn tiết canh hoặc thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh vật, hóa chất) dẫn đến ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy gây mất nước và chất điện giải.

Chính vì thế, người cao tuổi nên sử dụng những thực phẩm tươi sống, ăn chín uống sôi và chế độ ăn uống lành mạnh khoa học để ngăn ngừa các bệnh tiêu hóa.

 

14. VIÊM PHẾ QUẢN CẤP

Viêm phế quản cấp là tình trạng viêm cấp tính ở phế quản, do tác nhân virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng.

Ở người già, hệ thống miễn dịch bị suy yếu, cơ quan hô hấp giảm hoạt động kháng khuẩn nên dễ bị các bệnh lý về hô hấp. Thường gặp nhất là viêm phế quản cấp.

Triệu chứng của bệnh bao gồm ho, khó thở, khạc đàm màu trắng đục, vàng, nâu tùy từng bệnh cảnh khác nhau.

Điều trị không triệt để sẽ dẫn đến viêm phế quản mãn tính, suy yếu cơ quan hô hấp.

15. BỆNH ALZHEIMER VÀ CHỨNG SA SÚT TRÍ TUỆ

Bệnh Alzheimer là một loại bệnh mất trí nhớ – một tình trạng gây mất trí nhớ và gặp khó khăn trong việc suy nghĩ hoặc giải quyết vấn đề đến mức gây trở ngại cho các hoạt động hàng ngày. Sa sút trí tuệ không phải là một phần bình thường của quá trình lão hóa và được gây ra bởi những thay đổi trong não theo thời gian.

Các yếu tố rủi ro lớn nhất đối với tình trạng mãn tính này bao gồm tuổi tác, tiền sử gia đình và di truyền.

X
phone